Có một câu chuyện đáng suy nghĩ được kể bởi chính nhà văn trẻ trong hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ tổ chức ngày 28-11. Nhà văn trẻ Hiền Trang kể cô không bao giờ khai mình là nhà văn khi được nhân viên ngân hàng hỏi cô làm nghề gì.
Hội thảo do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Ban nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, với sự tham dự của một số nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình cả trẻ lẫn không trẻ ở ba miền.
Nhà văn trẻ trước câu hỏi "làm nghề gì?"
Hiền Trang kể trước nay khi đi ra đường, đặc biệt là ra ngân hàng mở một tài khoản hay giao dịch gì đó, nếu nhân viên ngân hàng hỏi cô làm nghề gì, cô không bao giờ khai mình là nhà văn.
"Nếu nói là nhà văn thì khả năng xin được cấp thẻ tín dụng chắc không cao lắm. Họ nghĩ là công việc ấy có vẻ không ổn định, vay tiền mà không trả được", Hiền Trang nói.
Cô sẽ khai một công việc khác, công việc mà hằng ngày cô đến văn phòng làm một buổi sáng để buổi chiều được giải phóng, ngồi viết văn.
Chỉ một lần có người hỏi cô làm nghề gì và khi nghe cô trả lời cô là nhà văn mà không hỏi thêm cô câu hỏi khác như còn làm công việc nào khác để sống.
Họ mặc nhiên coi công việc nhà văn của cô là công việc bình thường khác. Nhưng đó là câu chuyện xảy ra ở… Mỹ.
Khi Hiền Trang tham gia kỳ lưu trú sáng tác tại Iowa (Mỹ) năm 2022, cô có đến một quán mà nhiều nhà văn quốc tế nổi tiếng từng đến khi tham dự kỳ lưu trú sáng tác ở Iowa.
Khi cô đang ngồi một mình xem một bộ phim câm trên màn hình tivi cũ, một cặp đôi khách du lịch người Mỹ đến từ bang Minesota đã bắt chuyện với cô. Họ hỏi cô làm nghề gì và cô giới thiệu cô là nhà văn.
Họ lập tức tỏ ra rất vui mừng như thể ao ước được gặp một nhà văn của họ khi tới đây du lịch đã thành hiện thực. Dù không biết Hiền Trang là ai, họ xin chữ ký, chụp ảnh…
Cặp đôi này khiến Hiền Trang rất ngạc nhiên. Họ khiến nhà văn trẻ bỗng nhiên nhận ra mình yêu công việc nhà văn, chấp nhận công việc này, chấp nhận mình là ai, và hoàn toàn có thể yên tâm công việc của một nhà văn là một công việc được yêu quý, được xã hội đánh giá cao, một công việc có ích.
Nhà văn trẻ vẫn viết tốt dù phải tìm một nghề khác để giới thiệu về mình?
Câu chuyện ở ngân hàng của Hiền Trang thực ra không phải là mới. Nhà văn ở Việt Nam lâu nay chưa được xã hội coi như một nghề theo nghĩa có thể giúp nuôi sống nhà văn. Vài trường hợp sống được với nghề như Nguyễn Nhật Ánh không đủ để thay đổi quan điểm này.
Nhưng khi câu chuyện của Hiền Trang được kể tại hội thảo nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác trẻ, nó gợi suy nghĩ.
Liệu có thể nâng cao chất lượng sáng tác trẻ khi mà nhà văn trẻ còn phải tìm một nghề khác để giới thiệu về mình khi ra đường, đặc biệt là khi đến ngân hàng?
Hay nhà văn trẻ vẫn cứ viết tốt ngay cả khi nghề của họ được xã hội mặc định không phải nghề.
Bởi lâu nay, các thế hệ nhà văn trước họ, mấy người sống được bằng văn thơ, nhưng mỗi thời vẫn có những tác phẩm hay ra đời.
Huống hồ ngày nay nhiều nhà văn trẻ có thể sống được với viết lách của mình, tuy không giàu, như Hiền Trang từng chia sẻ trường hợp của mình.
Bản thân Hiền Trang hiện cũng là một cây bút trẻ nhiều triển vọng, liên tục cho ra mắt nhiều tác phẩm, giành được một số giải thưởng văn chương trong nước, được mời tham gia kỳ lưu trú sáng tác tại Iowa (Mỹ).
Nhiều cây bút trẻ cũng đạt được một số thành tựu, có thể kể đến một số cái tên như Đinh Phương, Lê Vũ Trường Giang, Lê Quang Trạng…
Tại hội thảo, một số ý kiến bàn về những mô hình hỗ trợ nhà văn trẻ ở một số quốc gia công nghiệp phát triển như một gợi ý cho Việt Nam (PGS.TS Phùng Ngọc Kiên); đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể cho việc hỗ trợ sáng tác văn học cho các tác giả trẻ, trong đó có đề xuất cải thiện, nâng cao và có sự đầu tư, hỗ trợ khác nhau về kinh phí sáng tạo cho các tác giả trẻ (TS Lê Vũ Trường Giang)…